Thời sự Bình Dương

Hợp tác trong nhiều mô hình nông nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã ở tỉnh Bình Dương được thành lập và đầu tư với nhiều mô hình phong phú, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp địa phương.

Tình hình phát triển kinh tế hợp tác xã ở tỉnh Bình Dương những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã được thành lập và đầu tư với nhiều mô hình phong phú, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp địa phương.

HỢP TÁC TRONG NHIỀU MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP

Hợp tác xã nông nghiệp Bình Dương được thành lập và đi vào hoạt động tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo nay đã được 7 năm. Hợp tác xã có 45 thành viên tham gia, đầu tư trên nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu là mô hình nuôi trùn quế và cung cấp giống cây trồng cho nông dân sản xuất.

Đối với mô hình cung cấp cây giống, hiện nay, hợp tác xã thực hiện chiết nhánh, ươm hạt 30 loại cây giống nhập ngoại các loại. Trong đó, đã thí nghiệm thành công một số loại như: Na dứa Đài Loan, Vú sữa hoàng kim, Nho thân gỗ tứ quí, Lựu đỏẤn Độ, Hồng xiêm, Long nhãn tím, Chery Brazil….

Với mô hình nuôi trùn quế, hợp tác xã đầu tư qui mô 120 trại. Bình quân mỗi trại có diện tích 125m2. Nuôi trùn quế khá đơn giản nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trại nuôi chỉ cần che chắn bớt ánh sáng, thức ăn cho trùn được tận dụng từ các loại phân bò, phân heo hoặc phân gà. Sau thời gian nuôi 6 tháng có thể khai thác phân trùn quế. Bình quân mỗi trại cho 50 tấn phân trùn quế. Với giá bán từ 2-3 triệu đồng/tấn, mỗi trại cho doanh thu từ 100-150 triệu đồng. Ngoài cung cấp phân trùn quế tươi, hợp tác xã còn cung cấp dung dịch phân bón được ủ từ trùn quế. Sắp tới đây, hợp tác xã còn sản xuất phân trùn quế sấy khô dạng viên để cung ứng đa dạng sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp. Phân trùn quế chứa nhiều dưỡng chất có ích cho cây trồng nên được tiêu thụ mạnh.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình, huyện Phú Giáo được thành lập năm 2017. Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã là điểm tựa vững chắc cho 25 thành viên sản xuất và tiêu thụ dưa lưới công nghệ cao trong và ngoài địa bàn. Hiện tổng diện tích trồng dưa lưới của hợp tác xã đạt hơn 30 hecta, riêng ở xã An Bình có 15 thành viên với diện tích trồng dưa lưới 5 hecta. Trồng dưa lưới, các thành viên đều áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, có kiểm soát chặt chẽ trong khâu tưới nước và bón phân tự động, giúp giảm nhân công, đảm bảo sản lượng, chất lượng và độ an toàn cao cho dưa dưới khi thu hoạch. Lượng dưa lưới mỗi đợt thu hoạch tăng cao gấp nhiều lần, đáp ứng tốt nhu cầu cho các hợp đồng đã ký với giá cả ổn định. Bình quân 1 hecta cho sản lượng 60-70 tấn/năm.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 42 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với nhiều mô hình sản xuất phong phú, được đầu tư theo hướng sản xuất an toàn. Một số hợp tác xã còn vươn lên đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cao cho các thành viên. Từ đó, đã tạo sức bật cho hoạt động của kinh tế tập thểở Bình Dương.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×