Bình Dương Mến Yêu

Lịch sử Bình Dương qua góc nhìn của một nhà điêu khắc

Những năm gần đây, trong giới mĩ thuật Bình Dương nói chung và điêu khắc nói riêng, Châu Trâm Anh đã tạo được dấu ấn với những tác phẩm mang phong cách riêng. Bằng tình yêu lịch sử, nhà điêu khắc trẻ Châu Trâm Anh đã lựa chọn con đường sáng tạo nghệ thuật bằng việc kể chuyện lịch sử, đặc biệt là truyền thống đất và người Bình Dương hào hùng thông qua ngôn ngữ điêu khắc với một mong ước giản đơn là mỗi tác phẩm ấy sẽ là những trang sử trực quan, sinh động và sâu lắng.

Từ tình yêu vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, cùng với niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc, qua góc nhìn của Châu Trâm Anh, đất và người Bình Dương với lịch sử hơn 300 năm đã được tái hiện sinh động chỉ trong 1 bức phù điêu như thế này. Ở đó có những ngày đầu mở đất lập làng gian khó với “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp beo”. Ở đó có những mốc son lịch sử sáng chói qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ở đó có một tầng sâu văn hóa với những làng nghề, những cung bậc đờn ca tài tử như tiếng lòng người đất Thủ. Và ở đó có cả một Bình Dương năng động sáng tạo nghĩa tình, nơi hội tụ nguồn lực và lan tỏa thành công. Không gian trải rộng, thời gian trải dài, đậm đặc những sự kiện văn hóa, những giai đoạn lịch sử, đã được gói gọn bằng một thủ pháp nghệ thuật độc đáo, chính là giá trị của tác phẩm này.

Giáo dục lịch sử bằng nghệ thuật, thông qua đó góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ là một trong những cách thức hữu hiệu. Bởi lẽ tất cả các loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ của mình sẽ mang lại những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp, những giá trị nhân văn sâu lắng, để từ đó mỗi người sẽ nhìn lại chính mình, nghĩ về trách nhiệm bản thân và có những hành động thiết thực. Với ngôn ngữ điêu khắc, Châu Trâm Anh đã làm được điều đó

Không chỉ giàu bản sắc văn hóa, Bình Dương còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Vùng đất ấy đã trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù, là thành lũy cách mạng, nơi tập trung sức mạnh của ý Đảng lòng dân. Qua 30 năm mưa bom bão đạn, vùng đất Bình Dương chính là một dấu son chói ngời, viết tiếp nên bản hùng ca “miền Nam thành đồng Tổ Quốc”. Lịch sử hào hùng ấy cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận đã và đang nuôi dưỡng sức sáng tạo của Châu Trâm Anh. Trong khuôn viên di tích chiến khu Đ tại xã Đất Cuốc huyện Bắc Tân Uyên, 5 tác phẩm phù điêu của Châu Trâm Anh là một điểm nhấn nổi bật. Lịch sử đã được cô đọng qua ngôn ngữ điêu khắc để trở nên sinh động và cuốn hút hơn. Lịch sử không còn là những con số và sự kiện một cách khô khan, mà lịch sử thấm sâu vào lòng người từ sự thăng hoa của nghệ thuật. Chính vì thế nên bất cứ ai khi thưởng lãm những bức phù điêu ấy không chỉ nhìn thấy cái đẹp của nghệ thuật, mà còn đang được học những bài học lịch sử một cách trực quan sinh động nhất.

Đây là Phù điêu làng chiến đấu 5 xã - cái nôi của Chiến khu Đ. Được thành lập vào tháng 2 năm 1946, Chiến khu Đ ra đời trong bối cảnh lịch sử khi thực dân Pháp chiếm đóng được quận lỵ Tân Uyên, tổng hành dinh Khu 7 và lực lượng vũ trang Biên Hòa phải rút sâu vào rừng, công tác xây dựng căn cứ được đặt ra một cách cấp thiết. Trong giai đoạn đầu tiên, chiến khu Đ chủ yếu được xây dựng từ hạt nhân là 5 xã gồm: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang và Lạc An. Chiến khu Đ được coi là trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

Thưởng lãm bức phù điêu này, hậu thế sẽ càng hiểu hơn vì sao chiến khu Đ vẫn hiên ngang tồn tại qua 2 cuộc chiến khốc liệt. Phù điêu khắc họa trận lụt kinh hoàng vào tháng10 năm Nhâm Thìn 1952. Vùng căn cứ dọc sông thành biển nước mênh mông. Nhà cửa doanh trại bị đổ sập, tốc mái. Toàn bộ cây lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang, sách báo,…bị ẩm mốc, mục rữa. Vũ khí đạn dược bị rỉ sét, hư hỏng. Chiến khu Đ bị tổn thất nặng nề. Lợi dụng lúc ta bị khó khăn nghiêm trọng do thiên tai, giặc Pháp âm mưu triệt phá căn cứ. Chúng liên tục hành quân càn quét, bao vây, ngăn chặn các đường vận chuyển lương thực, tuyên truyền chiêu dụ cán bộ, chiến sĩ ta ra đầu hàng. Cuộc sống ở Chiến khu Đ gặp vô vàn gian khó. Nhưng trong gian khó ấy lại ngời sáng lên tình quân dân, sức mạnh của ý chí, của lý tưởng, của sự đoàn kết. Lòng yêu nước kết thành sức mạnh dân tộc chính là điều mà mỗi người cảm nhận được phía sau những chi tiết, những hình ảnh được thể hiện bằng chất liệu gốm của bức phù điêu. Và đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao « chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất ».

Còn đây là toàn bộ diễn tiến của một trận đánh đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam, khai sinh ra một cách đánh mới, một binh chủng đặc công. Trận đánh cầu Bà Kiên được thể hiện sinh động bằng ngôn ngữ điêu khắc, từ những ngày đầu trinh sát địa bàn, xây dựng mô hình cho du kích tập đánh, đến những chi tiết rất nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn như chiếc thang được mượn từ nhà dân, đến trận đánh chớp nhoáng tiêu diệt tháp canh. Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên là một minh chứng cho lối đánh thông minh, mưu trí, dũng cảm và sáng tạo được xây dựng trên cơ sở lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân trên cơ sở chủ yếu là “Lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”.

Bằng phù điêu gốm và thủ pháp nghệ thuật điêu khắc hoành tráng với góc nhìn rộngđã làm nổi bật ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn củachiến thắng Phước Thành ngày 17-18/9/1961. Lần đầu tiên ta đã đập tan một cứ điểm, một tiểu khu quân sự mạnh ở miền Nam, phá thế bao vây tiến công chia cắt, lấn chiếm Chiến khu Đ của địch. Với chiến thắng này, quân và dân ta đã đánh một đòn phủ đầu vào kế hoạch bình định thâm hiểm của địch, tạo nên một cục diện mới, báo hiệu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng toàn miền Nam.

Đầu tháng 02 năm 1966, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân lớn mang tên “Rolling Stone” (Hòn đá lăn) đánh vào Chiến khu Đ. Ta tổ chức nhiều cánh quân nhỏ, gọn nhẹ liên tục tiến công, kết hợp đánh mìn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Bị phản kích dữ dội, ngày 14 tháng 2 năm 1966, địch buộc phải co cụm lại đóng thành hai chốt tại khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ và cho xe thiết giáp án ngữ vòng ngoài. Được sự hỗ trợ của du kích Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên, đêm 24 tháng 2 năm 1966, một đơn vị của Sư đoàn 9 tổ chức tiến công đánh thẳng vào Bông Trang, Nhà Đỏ. Sau 5 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên lính Mỹ, bắn cháy 48 xe bọc thép M.113, 24 xe tăng.

Vậy đó, chỉ với 5 bức phù điêu trong khuôn viên di tích chiến khu Đ, lịch sử Bình Dương qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được tái hiện sinh động và cô đặc. Ngoài thủ pháp nghệ thuật thì chất liệu cũng chính là thế mạnh làm nên giá trị thẩm mĩ, từ đó góp phần nâng cao chức năng giáo dục của một tác phẩm nghệ thuật

Tháng 4 đã về. Tháng 4 của ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất. Thời gian trôi qua, mọi vật có thể lãng quên nhưng lịch sử thì phải luôn ghi khắc. Bằng góc nhìn nghệ sĩ và ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc, Châu Trâm Anh đã và đang đưa mọi người đến gần hơn, để rồi hiểu rõ hơn về lịch sử của một vùng đất và con người Bình Dương bằng một cách riêng của mình./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×