Thời sự Bình Dương

Nan giải trong thị trường bán lẻ thuốc chữa bệnh

Với đặc thù có lượng dân số cơ học tăng cao, hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động bán lẻ thuốc chữa bệnh còn n

Với đặc thù có lượng  dân số cơ học tăng cao, hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, hiện  nay công tác quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động bán lẻ thuốc chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Thực tế này cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là vấn đề sức khỏe của người dân bị đe dọa.

Theo thống kê của Sở y tế tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.400 cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc chữa bệnh, gồm có nhà thuốc và quầy thuốc. Song con số thực tế còn nhiều hơn, bởi có rất nhiều cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh chưa có giấy phép, khi mà chỉ cần vài chục triệu đồng, bất cứ ai cũng có thể tự mở, trong khi cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát hết.

Theo quy định, để mở nhà thuốc, chủ cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh phải có bằng dược sĩ đại học hoặc đối với quầy bán lẻ thuốc phải có bằng trung cấp dược. Quy định là vậy, nhưng nhiều chủ cơ sở đã thuê mướn bằng để làm giấp phép cho hợp lệ, còn người trực tiếp đứng bán thuốc có chuyên môn hay không, người mua không thể biết được. Nguy hiểm hơn, có nhiều cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh đang hoạt động chui, theo kiểu hoạt động ngoài giờ hành chính, tức chỉ bán vào ngày chủ nhật hoặc các buổi chiều tối từ 17h đến 22h đêm, gây rất nhiều khó khăn cho ngành chức năng.

Số lượng các cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các cơ sở. Nhiều cơ sở bán lẻ từ thuê bằng chuyên môn, đã bỏ thuê bằng, chuyển sang hoạt động chui, nhằm giảm bớt chi phí. Mặc khác, có những người  dù không có bằng cấp chuyên môn, vẫn thuê mặt bằng đứng bán theo kiểu làm thêm ngoài giờ, sẵn sàng bán thuốc mà không cần quan tâm đến những loại thuốc cần phải có kê đơn của bác sĩ. Hậu quả là việc sử dụng thuốc tràn lan; và nhiều trường hợp lạm dụng thuốc hay kháng thuốc cũng là điều tất yếu.

Hậu quả từ việc sử dụng thuốc không theo toa của một bộ phận người dân; và những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh bán lẻ thuốc chữa bệnh đang đặt ra những trách nhiệm rất nặng nề đối với ngành y tế Bình Dương. Đòi hỏi cần phải sớm có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×