Đã 48 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Quãng thời gian đủ dài để những vết thương chiến tranh được khỏa lấp bằng màu xanh hòa bình với một sức sống mới mạnh mẽ. Chiến tranh đã trở thành một phần của quá khứ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với lãng quên, mà ngược lại việc tìm hiểu về lịch sử, hiểu về chiến tranh với những mất mát đau thương và những trang sử hào hùng của thế hệ cha ông đã vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh, chính là bài học lịch sử giá trị nhất đối với thế hệ trẻ hôm nay.
NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH VỚI NHỮNG TRANG VIẾT
“NƯỚC MẮT VÀ NIỀM VUI”
Ngày 24-3-2023 Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi ra mắt Hồi ký “Nước mắt và niềm vui - những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông” của Trung tá Vũ Thành Trung, và Hội thảo về tầm quan trọng của văn chương phi hư cấu. Đây là niềm vui, niềm vinh hạnh không chỉ của riêng trung tá Vũ Thành Trung, mà còn là niềm hạnh phúc của những cựu chiến binh và người cầm bút không chuyên của tỉnh Bình Dương. Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã dành những ngôn từ trân trọng nhất khi giới thiệu về cuốn Hồi ký này:
“Người lính trở về sau cuộc chiến tranh có quá nhiều việc để viết, để kể.
-Như chuyện thanh xuân ở rừng
-Chuyện bỏ lại quê hương mối tình đầu vào chiến khu
-Chuyện người lính trinh sát đối mặt sinh tử
-Chuyện khinh thương, trọng thương
-Chuyện cô y tá Út Bòn ở bệnh xá X1 đổi chiếc áo cho đồng bào dân tộc để có được con gà và 2 lít gạo nuôi sống thương binh trong những ngày thiếu thuốc men, lương thực. Giờ Út Bòn ở đâu?
-Chuyện phá lệ “ba khoan” và 3 lần hoãn đám cưới
-Chuyện những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, trận tiến công vào thị xã Phước Long bao đồng đội hi sinh
-Chuyện sau ngày hòa bình đối mặt với cuộc chiến vượt qua chính mình…
Hồi ký của anh là chất liệu quý báu, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ và những người cầm bút hiểu thêm về sự khốc liệt, bi tráng cuộc chiến tranh và cái giá của hòa bình”
Ở tuổi 80, Trung tá Vũ Thành Trung, tên thường gọi là Mười Trung, đang có những ngày tháng hạnh phúc bình dị bên gia đình, người thân, bạn bè và đồng đội. Việc nước, việc nhà đã tròn, nhưng trong ông vẫn luôn có một nỗi niềm day dứt. Đó là món nợ với chiến tranh cần được giãi bày và chia sẻ. Bởi lẽ chính cuộc đời ông, gia đình ông đã không còn là chuyện riêng mà gắn chặt với chuyện chung của bao gia đình miền Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Bằng câu chuyện của chính mình, người trong cuộc, ông muốn mang đến một cái nhìn cụ thể, rõ ràng, sinh động và chân thật nhất về chiến tranh, về mất mát, đau thương, về sự vượt qua khốc liệt của cuộc chiến với bao điều bi tráng. Dù tuổi đã 80, mang trong mình những vết thương- di chứng của chiến tranh, tay cầm bút đã run run, nhưng ông vẫn nhẫn nại viết ra từng con chữ. Ông bắt đầu những trang bản thảo đầu tiên khi Bình Dương đang đông cứng khóa chặt đối diện với bao khó khăn thử thách trước đại dịch Covid 19, nhưng với niềm tin mãnh liệt rằng: người Bình Dương sẽ vượt qua như chính sức mạnh mà đất và người nơi này đã vượt qua trong chiến tranh, đã tạo động lực cho người cựu chiến binh, thương binh Vũ Thành Trung thao thức trên từng trang giấy trắng. Viết lách là một công việc khó, thậm chí là rất khó, ấy thế mà với một người cầm bút không chuyên như ông đã dám đối mặt thử thách. Với ông, đây không khác gì một trận chiến thật sự, phải vượt qua bằng sự kiên trì nhẫn nại từng chút một.
Sau 2 năm kiên trì nhẫn nại bằng tâm huyết, cuốn hồi ký “Nước mắt và niềm vui- những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông” của Trung tá Vũ Thành Trung đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Chưa bàn nhiều về chuyện văn chương, chỉ cần hiểu cái cách để cuốn Hồi ký ấy ra đời đã là chất xúc tác truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người cầm bút chuyên và không chuyên.
Hồi ký vốn là câu chuyện riêng của một người - nhưng với những trang viết trong Hồi ký “Nước mắt và niềm vui”, riêng chung đã đan xen hòa quyện vào nhau để từ đó người đọc có được cái nhìn sâu hơn, rõ hơn từng ngóc ngách của chiến tranh, từng ngóc ngách nội tâm của con người trong cuộc chiến khốc liệt. Chúng ta đã nghe nhiều về sự kinh ngạc của thế giới khi họ không hiểu điều gì đã làm nên sức mạnh để dân tộc này đánh thắng cuộc chiến. Thì đây, câu trả lời có thể được lý giải phần nào ngay những trang đầu tiên khi nói về trận đánh ác liệt căn cứ Bu Prăng. Trước khi vào trận đánh ông đã nhận được hung tin người anh ruột hi sinh. “Mắc võng dưới gốc cây, tôi lấy bức thư anh Thanh gửi theo đường giao liên trước đó một năm. Lá thư xếp đi xếp lại nhiều lần, đã rớt ra làm 8 mảnh. Tôi trải xuống lớp lá cây khô, sắp lại cho ngay ngắn, theo hàng chữ rồi đọc đi đọc lại, mỗi dòng chữ là một giọt nước mắt. Đau khổ tột cùng, tôi không thể chịu đựng được đau thương này, vì vậy mà tôi không còn muốn sống nữa. Tôi chấp nhận hi sinh trong trận đánh sắp đến mà tôi được đơn vị sắp xếp cùng với đặc công là một mũi đánh vào trung tâm căn cứ. Lúc này, sự sống chết không còn ý nghĩa với tôi nữa. Tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Bằng lối kể chuyện mộc mạc, giản dị và giàu cảm xúc, những câu chuyện thật trong hồi ký có thể xem như là chìa khóa mở ra bao lời giải về cuộc chiến đã qua cho bao thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Như câu chuyện về gia đình ông có 3 bà Mẹ Việt nam anh hùng. Đó là Mẹ ông có 3 người con trai hi sinh. Đó là người chị thứ tư có chồng và 2 con trai hi sinh. Là chị thứ 5 cũng có chồng và 2 con trai hi sinh. Hồi ký viết “ năm 2011, nhà nước tổ chức cho các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở các tỉnh miền Nam đi tham quan du lịch các tỉnh miền Bắc, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp đón và thăm hỏi ân cần. Chủ tịch nước nói: Một gia đình mà có tới 3 bà Mẹ Việt nam anh hùng thì thật là hiếm”. Có nơi đâu như đất nước này mà những người Mẹ “3 lần tiễn con đi 2 lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình Mẹ lặng im”. Chỉ có ở Việt Nam với những người Mẹ mất con mà nỗi đau không hoá đá, nỗi đau lặng vào trong bằng một nghị lực phi thường làm xúc động cả thế giới.
Cả một thời tuổi trẻ gắn liền với chiến trường miền Đông Nam bộ, gắn với Tiểu đoàn 840, cho nên sau ngày về hưu trung tá Vũ Thành Trung cùng với đồng đội luôn nặng lòng với những người đã khuất, với từng mảnh đất và bao người dân đã đùm bọc cưu mang mình. Ông và đồng đội thường xuyên về lại chiến trường xưa, tổ chức nhiều hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, thiêng liêng nghĩa tình đồng đội. Như những trang cuối Hồi ký ông đã bộc bạch “ Những ngày về hưu được sống thanh thản trong tình yêu thương đồng đội, đồng bào, đôi lúc tôi tự hỏi: sức mạnh nào đã cho tôi sự chiến thắng ấy. Và tôi tự tìm thấy câu trả lời khi đi về chiến trường xưa, gặp lại những người đã cưu mang che chở tôi, những đồng đội đã chết thay tôi.” Và hôm nay với những trang viết của mình, hành trình về nguồn của Trung tá Vũ Thành Trung và đồng đội tiếp tục được kết nối, để lịch sử không chỉ nằm trong những trang sách sử.
Năm tháng qua đi, mọi vật đổi thay, những thế hệ cha ông đi qua chiến tranh rồi cũng sẽ trở thành người muôn năm cũ. Nhưng di sản mà họ để lại là lý tưởng, là tình yêu quê hương đất nước, là lẽ sống thì vẫn mãi xanh tươi như màu xanh đang không ngừng sinh sôi phát triển trên chính quê hương thân yêu này. Màu xanh ấy là ánh sáng soi đường cho sự tiếp bước của những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.