Thời sự Bình Dương

Những mô hình trợ giúp thanh niên xa quê

Thực hiện đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên”, thời gian qua, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động, chăm lo thiết thực cho công nhân xa quê.

Thực hiện đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên”, thời gian qua, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động, chăm lo thiết thực cho công nhân xa quê. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống và tiếp thêm động lực để thanh niên công nhân thực hiện mong ước tạo dựng cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai - Bình Dương.

Nhằm chia sẻ khó khăn và giúp công nhân xa quê yên tâm lao động sản xuất, giữa năm 2015, Bình Dương thực hiện mô hình “Khu nhà trọ kiểu mẫu thanh niên”. Các “Khu trọ kiểu mẫu thanh niên” này được trang bị sân chơi thể thao, thiết bị tập thể dục, phòng đọc sách báo, tủ thuốc, truy cập Internet miễn phí, có camera giám sát an ninh, số điện thoại đường dây nóng của công an phường, bác sỹ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ. Điều quan trọng là giá thuê phòng trọ luôn ở mức hợp lý, giá điện nước tính theo quy định của nhà nước. Hiện Bình Dương đã công nhận 11 khu nhà trọ kiểu mẫu. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, Bình Dương sẽ có 20 khu nhà trọ kiểu mẫu thanh niên. 

Nếu Khu nhà trọ kiểu mẫu mang đến một nơi ở lý tưởng cho thanh niên xa quê, thì mô hình “Căn phòng mơ ước” như là một phép màu, biến giấc mơ của những công nhân khó khăn thành hiện thực. Mô hình trao tặng nơi ở miễn phí cùng một vài trang thiết bị thiết yếu, giúp công nhân giảm bớt gánh nặng tiền bạc, tạo cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống. Công nhân được sở hữu “Căn phòng mơ ước” từ 1 đến 3 năm, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Triển khai từ đầu năm 2016, đến nay, Bình Dương đã trao tặng 8 “Căn phòng mơ ước” trị giá gần 400 triệu đồng.     

Vui chơi an toàn, lành mạnh là một nhu cầu không thể thiếu đối với trẻ em, đặc biệt là ở các khu nhà trọ. Bắt đầu từ tháng 3.2016, những sân chơi hoàn toàn miễn phí và đầy màu sắc như thế này được hình thành tại các khu nhà trọ có đông con em thanh niên xa quê trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Thông qua mô hình nhằm giảm bớt gánh nặng cho công nhân trong việc chăm sóc con cái, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Kinh phí thực hiện mô hình là từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài 3 mô hình kể trên, một số mô hình khác chăm lo cho thanh niên xa quê được các cấp Đoàn Hội trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả thời gian qua như: thành lập chi hội thanh niên các dân tộc, dạy tiếng Anh miễn phí cho con em công nhân, Sân chơi thể thao, Thư viện lưu động cho công nhân,… Các mô hình đều thể hiện nghĩa tình của chính quyền địa phương, mong muốn mang đến cho công nhân xa quê một tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe để toàn tâm toàn ý lao động sản xuất, tích lũy mua đất cất nhà, an cư lạc nghiệp tại Bình Dương.

Khánh Hà – Tuấn Ngọc          

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×