Bình Dương Mến Yêu

Phát triển công nghiệp xanh – từ cam kết đến hiện thực

Với chiến lược phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội, trong 26 năm qua, Bình Dương đã có những bước chuyển mình rõ nét, trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Để tiếp tục giữ vững sức hút đối với nhà đầu tư trong xu hướng tất yếu của thế giới hiện nay là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, Bình Dương đang đẩy nhanh việc điều chỉnh, quy hoạch lại các KCN theo hướng xanh hóa và thông minh hơn, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Những bước đi mới trong hành trình phát triển tiếp theo của Bình Dương đã và đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp...

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP XANH – TỪ CAM KẾT ĐẾN HIỆN THỰC

Sau thời gian phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, Bình Dương đứng trước yêu cầu, đòi hỏi mới, đó là xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp xanh, thông minh, bền vững để thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, góp phần đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số thay thế cho động lực kinh tế thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai. Song song đó, tỉnh định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh-sinh thái theo hướng xanh hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hiện hữu có thể tự động hóa, chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống nhà máy thông minh,… nhằm đón đầu cơ hội mới trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Một trong những điểm sáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường trong 26 năm qua phải kể đến là sự đóng góp của các khu công nghiệp VSIP I, VSIP II và hiện nay là VSIP III tại Bình Dương. Bên cạnh việc sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại, các dự án khu công nghiệp của VSIP luôn hướng đến mô hình khu công nghiệp xanh với những cam kết bảo vệ môi trường cùng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi tái tạo năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và giảm thiểu rác thải, khí thải, phù hợp với định hướng phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Hiện các KCN của VSIP đã thu hút được các dự án chất lượng, các tập đoàn lớn và chuyên gia đến sinh sống, làm việc. Không dừng lại ở đó, dự án Khu công nghiệp VSIP III đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới – hệ sinh thái công nghiệp phát triển theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, phù hợp với xu thế của thế giới và của Việt Nam. Với mô hình KCN VSIP III, Công ty liên doanh TNHH KCN VSIP đang cố gắng hướng đến các cam kết phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.  

Không riêng gì các KCN mà định hướng phát triển công nghiệp xanh, bền vững của Bình Dương đã thu hút các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia quan tâm đầu tư. Điển hình như Công ty cổ phần Tetra Pak, Bình Dương, doanh nghiệp 100% vốn Thụy Điển, chuyên sản xuất hộp giấy tiệt trùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Úc và New Zealand. Chính thức đi vào hoạt động tại KCN VSIP II vào năm 2019 với số vốn đầu tư 120 triệu euro, nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương là một trong những nhà máy sản xuất bao bì đầu tiên đạt chứng nhận toàn cầu LEED Gold 4 phiên bản vàng cho các hoạt động bền vững. Bằng việc áp dụng tiêu chuẩn LEED, nhà máy tiết kiệm 2 triệu lít nước/năm, tái sử dụng và tái chế 90% lượng rác thải và giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm. Ngoài ra, Tetra Pak đang tích cực tham gia vào nhiều hoạt động để giảm thiểu hơn nữa tác động tới môi trường, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành của công ty xuống bằng không vào năm 2030.

Đây là những tấm Pin năng lượng mặt trời có diện tích gần 5900 m2 đã được nhà máy Tetra Pak Bình Dương lắp đặt vào tháng 3/2023. Những tấm pin này có thể tạo ra gần 1,9 nghìn Mw/h năng lượng điện tái tạo mỗi năm, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Đây là kết quả thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Tetra Pak. Song song đó, đơn vị còn hợp tác với các nhà bán lẻ như MM Mega Market, Aeon Mall để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy trên toàn quốc. Công ty cũng thực hiện số hóa việc thu gom vỏ hộp giấy tại 18 quận của TP. Hồ Chí Minh thông qua hợp tác với ứng dụng ve chai số VECA để thí điểm mô hình thu mua vỏ hộp giấy trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ hợp tác với các nhà tái chế và vận chuyển khác để mở rộng mô hình tại miền Bắc. Mục tiêu phát triển công nghiệp xanh ở nhà máy Tetra Pak Bình Dương còn được thể hiện ở việc sử dụng nước ngưng từ hệ thống lạnh để tưới cây, giúp tiết kiệm nguồn nước. Ngoài ra, công ty còn dành đến 32% diện tích đất cho cây xanh nhằm tạo môi trường làm việc xanh, sạch, trong lành. Và để tiếp tục khẳng định cam kết của Tetra Pak trong việc phát triển bền vững, cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống trong việc nâng cao tính bền vững khi sử dụng sản phẩm vỏ hộp giấy của doanh nghiệp, Tetra Pak còn đang nghiên cứu triển khai nền tảng giám sát năng lượng CEMP (Common Energy Monitoring Platform) kết nối các thông số hoạt động của nhà máy nhằm tối ưu việc sử dụng năng lượng. Trong dài hạn, điều này sẽ giúp nhà máy giảm thiểu việc sử dụng năng lượng không cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. 

Có thể nói, phát triển công nghiệp xanh là phương thức để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời mở ra cơ hội mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Đối với tỉnh Bình Dương, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp thông minh - xanh hiện được xem là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Với việc triển khai hàng loạt các khu công nghiệp theo hướng xanh hóa cũng như nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở nên thông minh hơn cùng sự đồng hành hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, Bình Dương được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra sức hút mới đối với các nhà đầu tư, xứng tầm là điểm sáng thut hút đầu tư, phát triển công nghiệp thế hệ mới của cả nước./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×