Thời sự Bình Dương

Phụ nữ làm nông nghiệp

Chiếm 51% lực lượng lao động ở Việt Nam, phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với sự cần cù, chịu khó, cộng với sự đam mê làm nông nghiệp, nhiều phụ nữ cũng đã làm giàu cho gia đình, đóng góp quan trọng vào quá t

Chiếm 51% lực lượng lao động ở Việt Nam, phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với sự cần cù, chịu khó, cộng với sự đam mê làm nông nghiệp, nhiều phụ nữ cũng đã làm giàu cho gia đình, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở địa phương.  

Bà Vũ Thị Huê ở xã An Bình, huyện Phú Giáo là một điển hình nhạy bén, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Đầu năm 2016, sau khi được tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, bà Huê quyết định chuyển đổi 5.000m2 diện tích trồng tiêu sang trồng dưa lưới. Với ý chí quyết tâm làm giàu, cùng với sự giúp đỡ của Hội phụ nữ địa phương ưu tiên cho vay nguồn vốn phân bổ của Hội cấp trên và giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện hơn 100 triệu đồng, cộng với số vốn tích lũy của gia đình; bà Huê đã cải tạo đất, đầu tư mô hình trồng dưa lưới. Trồng dưa lưới đòi hỏi công nghệ cao, bà xây dựng nhà kính cách ly côn trùng gây bệnh và hạn chế ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi thất thường. Quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm nhân công, quản lý được lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Cần cù, siêng năng và ham học hỏi, bà Huê chăm sóc diện tích dưa lưới đúng quy trình kĩ thuật. Sau 3 tháng trồng, cây cho thu hoạch. Có lợi nhuận, bà tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa lưới. Từ 5.000m2 trồng dưa lưới, bà đã có nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng. 

Đi theo mô hình nông nghiệp đô thị, chị Nguyễn Ngọc Diệp ở thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo đã bỏ vốn đầu tư thỏa đáng cho mô hình trồng hoa lan. Từ diện tích 3.000 m2 được đầu tư lúc ban đầu vào năm 2015, đến nay, chị đã mở rộng diện tích trồng lan lên hơn 8.000 m2. Với sự hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông, cùng với sự đam mê làm nông nghiệp, nhất là yêu thích vẻ đẹp của hoa lan, chị tỉ mỉ đầu tư cho mô hình trồng lan của gia đình. Bình quân 500 mđất được thiết kế trồng 1.000 gốc lan cắt cành. Để ổn định đầu ra cho hoa lan, chị đăng ký tham gia Câu lạc bộ hoa lan Bình Dương. Với diện tích hiện nay hơn 8.000 m2, gia đình đã có nguồn thu khá. Lan trồng hơn 1 năm cho bông và thời gian thu hoạch kéo dài từ 7-8 năm, chị kỳ vọng rất lớn vào kinh tế vườn lan mang lại. Ngoài diện tích chủ lực trồng lan cắt cành, chị còn đầu tư nhiều chủng loại lan rừng bán chậu, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. 

Xã hội phát triển, phụ nữ nông thôn cũng đã chủ động hơn trong cuộc sống, xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp và năng động hơn trong lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Bình Dương.

 

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×