Sáng 30/10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện thí điểm “Đề án đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”. Đến dự có ông Lê Hồng Quang - Ủy viên TW Đảng, Phó Chánh án TAND tối cao; ông Trần Thanh Liêm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao, TAND 2 cấp của tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thí điềm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại tỉnh với thời gian thí điểm là 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ 1/11/2018. Theo đó, sẽ triển khai đề án tại 7 đơn vị gồm Tòa án án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện gồm Tp.TDM, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và Dầu Tiếng.
Tại hội nghị, Tỉnh ủy đã công bố quyết định thành lập và ra mắt Ban chỉ đạo, tổ giúp việc và các Trung tâm thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính các cấp của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Lê Hồng Quang nhấn mạnh, hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Trên cơ sở thí điểm đề án này, TAND tối cao sẽ đề xuất Quốc hội xây dựng luật về mặt hòa giải, đối thoại trong thời gian tới.
Thay mặt tập thể lãnh đạo TAND tỉnh, 1 trong 16 đơn vị trong cả nước thí điểm thực hiện đề án, Chánh án Trần Thanh Hoàng đã tiếp thu và hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký Toà án hai cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của TAND tối cao và của tỉnh, góp phần thành công trong quá trình triển khai thí điểm đề án.