Dĩ An là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa – đô thị hóa nhanh của tỉnh Bình Dương. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với những khu công nghiệp, khu dân cư, những ngôi chợ sầm uất…Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ấy, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đã ngày càng bị thu hẹp. Để khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, TP.Dĩ An đã tập trung khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao... nhằm gia tăng giá trị sản phẩm trên một diện tích đất. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, tạo tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp của TP.Dĩ An tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
THÀNH PHỐ DĨ AN CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN
NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ
Vốn là người đam mê nghệ thuật sinh vật cảnh nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, trước đây anh Phạm Hồng Tích, ở phường Dĩ An, TP. Dĩ An thường tìm đến các vườn kiểng, các vựa bonsai trong và ngoài tỉnh để tìm mua những gốc mai, gốc kiểng đã bị các chủ vườn loại ra rồi đem về cắt tỉa, chăm sóc, tạo hình. Vừa làm, vừa tự mày mò, học hỏi, anh đã dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí giá trong việc trồng và tạo hình bonsai. Những gốc kiểng, chậu mai đã được gởi gắm cả tình cảm và tấm lòng của người nghệ nhân vào đó nên trông nó càng có hồn, càng có sức thu hút đối với người xem. Không ít người đã tìm mua tác phẩm tạo hình của anh với giá hàng chục triệu đồng. Việc kinh doanh cây kiểng nhờ thế ngày càng phát đạt và tên tuổi của anh Tích cũng ngày càng trở nên quen thuộc trong làng sinh vật cảnh ở thành phố Dĩ An. Nhận thấy nghề trồng và kinh doanh bonsai, hoa kiểng có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trước sự phát triển không ngừng của cuộc sống hiện đại, nhu cầu xây dựng, trang trí nhà cửa, văn phòng, tạo mảng xanh đô thị của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao, anh không ngừng học hỏi, sưu tầm tích lũy để mở mang nghề trồng kiểng. Đến nay, anh đã có 2 điểm trồng và kinh doanh cây kiểng ở Dĩ An, với số vốn đầu tư lên đến cả chục tỉ đồng.
Không chỉ vươn lên làm giàu từ nghề trồng bonsai, cây kiểng, anh Tích còn tận tình giúp đỡ, hỗ trợ các nhà vườn mới bước vào nghề. Với vai trò là chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan cây cảnh TP. Dĩ An, những năm qua, anh đã phối hợp cùng Hội nông dân, Hội sinh vật cảnh thành phố tổ chức hàng chục lớp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc hoa lan, cây kiểng, cách tạo dáng từ cơ bản đến chuyên sâu tác phẩm nghệ thuật bonsai, non bộ cho khoảng 3.000 học viên. Từ chỗ được anh tận tình hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, nhiều người đã làm ăn có hiệu quả và vươn lên khá giả.
Có thể nói, nông nghiệp chính là lĩnh vực chịu sự chi phối, tác động rõ nét nhất trong quá trình đô thị hoá tại thành phố Dĩ An hiện nay. Từ chỗ bị thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp để đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và công nghiệp nhằm hướng đến một môi trường sống năng động, hiện đại hơn, người nông dân Dĩ An phải suy nghĩ và đi đến việc lựa chọn, chuyển hướng sang đầu tư, kinh doanh sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi vừa có thể đảm bảo được cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường, vừa ít cần diện tích đất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất – chất lượng, việc ứng dụng KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt, việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng… đã được nông dân thành phố áp dụng triệt để. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị của thành phố Dĩ An đã có bước phát triển mạnh như: mô hình trồng lan cắt cành, bon sai cây kiểng, mô hình dưa lưới công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nấm, trồng rau nhà kính, nuôi cấy đông trùng hạ thảo, nuôi lươn không bùn, nuôi dế, nuôi ba ba… Chất lượng và hiệu quả kinh tế của các mô hình này ngày càng được nâng cao. Bên cạnh sự năng động, sáng tạo và ý chí, nỗ lực của người nông dân, thời gian qua, hội nông dân, sinh vật cảnh TP. Dĩ An đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển loại hình nông nghiệp đô thị theo hướng chuyên canh hàng hóa. Ngoài việc hướng dẫn, phổ biến kiến thức về các mô hình sản xuất mới cho nông dân thành phố; khuyến khích việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi trồng hoa lan, cây kiểng..., các tổ chức hội còn tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triễn lãm, festival sinh vật cảnh...
Với mong muốn tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn cho những hộ sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh, vừa qua, Festival Sinh vật cảnh TP. Dĩ An lần thứ 1 năm 2023 đã được tổ chức. Đây được coi là hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu có qui mô lớn, là cơ hội để các hộ nông dân, tổ hợp tác, hội sinh vật cảnh các địa phương trong và ngoài tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận các thiết bị công nghệ mới, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong khuôn khổ Festival, nhiều tổ chức, cá nhân từ các tỉnh, thành trên cả nước tham gia mua bán, giới thiệu, trao đổi sản phẩm sinh vật cảnh, góp phần đưa Dĩ An trở thành thị trường sinh vật cảnh sôi động bậc nhất tỉnh Bình Dương.
Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục thúc đẩy nền nông nghiệp của TP. Dĩ An phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi rộng khắp và đi vào chiều sâu, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, bền vững; tập trung huy động các nguồn lực như phối hợp các ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tạo điều kiện để nông dân vay vốn, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, khuyến nông, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn hiệu quả để nông dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi; tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm… hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, góp phần mang đến một diện mạo tươi mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương.