THEO DÒNG LỊCH SỬ

Theo dòng lịch sử tháng 10

20-10: Tự hào phụ nữ Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vai trò của phụ nữ, tới quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Câu nói của bác đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Sinh ra trong một đất nước có nền văn minh nông nghiệp dựa vào trồng lúa và làm thủ công nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta luôn bị giặc ngoại xâm, cuộc sống nghèo khó nên người phụ nữ Việt Nam là một người lao động cần cù, sáng tạo và thông minh; là người giữ gìn và phát triển bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời là những người mẹ hiền, dũng cảm, trung thành, đã sản sinh ra nhiều thế hệ anh hùng cho dân tộc anh hùng. Dưới chế độ phong kiến ​​và đế quốc, phụ nữ Việt Nam là đối tượng bị áp bức, bóc lột, chịu sự bất công lớn trong cuộc sống, nên họ luôn khao khát được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Trong công cuộc giải phóng đất nước, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc, cống hiến cho đất nước những người chồng, người con xuất sắc, mà họ còn là những chiến sĩ kiên cường, anh dũng trên tiền tuyến. Trong thời bình, người phụ nữ Việt Nam ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Phụ nữ Việt Nam là lực lượng quan trọng của cách mạng.

Ngay khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 3/2/1930, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng sớm nhận rõ vai trò của phụ nữ Việt Nam và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ Việt Nam phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam, nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam, chính thức được thành lập. Kể từ khi thành lập các tổ chức phụ nữ tiền thân, phụ nữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phá bỏ thành trì phong kiến ​​và đánh dấu một mốc son lịch sử về vấn đề bình đẳng giới được hiến pháp và pháp luật tôn trọng và thể chế hóa. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hàng năm là ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam và coi đây là ngày kỷ niệm, ngày giải phóng phụ nữ và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày mà lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một tổ chức riêng dành cho phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là ngày mà lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 cũng là ngày tôn vinh những đóng góp to lớn mà người phụ nữ Việt Nam vẫn hằng ngày âm thầm cống hiến cho đất nước, gia đình và xã hội; là ngày khẳng định vai trò, vị trí và công lao của người phụ nữ trong xã hội, thể hiện sự ghi nhận, quan tâm của xã hội, tạo nguồn sức mạnh để họ phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống, phát huy hết tài năng và vai trò của mình.

Qua bao thăng trầm của xã hội, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực, dũng cảm, với tấm lòng nhân hậu, đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập của Tổ quốc. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, những người phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có nhiều tri thức, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, nhân ái, giữ gìn hạnh phúc gia đình và cống hiến cho xã hội, cho đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×