THEO DÒNG LỊCH SỬ

Theo dòng lịch sử tháng 11

20-11: Tôn vinh Nhà giáo Việt Nam

 

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, vì vậy, thầy cô giáo, những "Người lái đò tri thức", “kỹ sư tâm hồn”, là tổng công trình sư kiến tạo và phát triển nhân cách cho lớp lớp học trò luôn được xã hội tôn vinh.

Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của Tổ chức quốc tế Các nhà giáo dục tiến bộ (FISE). Công đoàn Giáo dục Việt Nam là thành viên của tổ chức này vào năm 1951. Trong cuộc họp tại Warszawa vào năm 1953 có 57 nước thành viên FISE tham dự, 20/11 được chọn làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".

Ở Việt Nam, do hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, năm 1958, lần đầu tiên ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế được tổ chức trên toàn miền Bắc. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 20/11 được tổ chức rộng rãi trên toàn quốc. Từ ngày lễ kỷ niệm 20/11, đã nâng cao được truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của các tầng lớp nhân dân trên toàn quốc, động viên được các đội ngũ các nhà giáo Việt Nam yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Do tính chất và mục đích tốt đẹp của ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế, theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 26/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Đây là ngày truyền thống của ngành Giáo dục để tôn vinh những người góp công trong sự nghiệp trồng người cao quý. Đây cũng chính là dịp để học sinh cả nước bày tỏ sự tôn trọng, tình cảm và lòng biết ơn với các thầy cô. Truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.

                Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” đã từng là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (1910), thầy Vương ở lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (1925-1927) do Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tổ chức, ở nhiều lớp huấn luyện cách mạng khác trong và ngoài nước. Người là thầy giáo dạy chữ cho cán bộ ở Pác Bó (1941) “học chữ để làm người cách mạng”. Có thể nói, hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào quan tâm đặc biệt đến giáo dục, chăm lo đến thầy giáo, cô giáo, học sinh các cấp như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong 23 bài nói chuyện và thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục có nhiều bài nói tới vai trò của giáo viên và hầu như bức thư nào Người cũng dạy người thầy “Phải chú ý cả tài cả đức”.

Người đã khẳng định: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

    Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà giáo phải là người có đức và có tài. Người nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”.

    Khắc ghi lời Bác dặn, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×