Những năm qua, thành phố Thuận An là địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh của tỉnh Bình Dương nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Một số khu vực trước đây có thế mạnh trồng cây ăn trái như: Bình Nhâm, An Thạnh, An Sơn…nay do bị ô nhiễm nguồn nước, đất đai bạc màu, một số diện tích vườn cây đã già cỗi cho năng xuất thấp …nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao.Trước thực trạng này, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất mới phù hợp với cuộc sống ở đô thị nhằm cho thu nhập ổn định hơn. Ông La Định Diệp ở khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An là một trong những người như thế.
Trước đây, gia đình ông Diệp sống chủ yếu bằng nghề nông, khi Bình Nhâm bắt nhịp với tiến trình đô thị hóa, ông chuyển qua làm tài xế xe tải. Do tuổi tác ngày càng càng lớn, nghề tài xế không còn phù hợp nữa nên ông muốn tìm một việc làm khác để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Vào năm 2010, ông Diệp tham gia lớp học nghề ngắn hạn về trồng hoa lan, cây kiểng do Hội Nông dân phường Bình Nhâm tổ chức. Sau khi học xong, ông được đi tham quan một số vườn lan cho hiệu quả kinh tế để cũng cố kiến thức đã học trên lớp. Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện gia đình nên ông mua một ít cây lan về trồng thử. Sau vài năm vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm thấy có triển vọng, ông Diệp quyết định đầu tư mở rộng diện tích vườn lan. Ban đầu, ông mua lan giống về trồng, dần dần ông học cách cắt ghép, lai tạo và ươm giống để giảm chi phí mua cây giống. Không những thế, ông còn lắp đặt hệ thống tưới tự động để vừa tiết kiệm nước vừa giảm công lao động khi diện tích vườn lan mở rộng thêm. Ông còn tìm hiểu cách trị các loại nấm, bệnh để cây lan phát triển tốt. Ngoài tự học hỏi áp dụng vào thực tiễn, ông còn tích cực tham gia các buổi học tập, trao đổi kinh nghiệp từ những hộ trồng lan khác để tích luỹ kinh nghiệm cho mình. Từ một nông dân chưa biết gì về nghề trồng hoa lan, đến nay ông La Định Diệp đã làm chủ một vườn lan rộng hơn 1.500m2, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.