Với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, quỹ đất sạch dồi dào, các KCN tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hút mạnh các dự án đầu tư.
Với kết cấu hạ tầng hiện đại phục vụ sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ và các công trình dân sinh, giao thông kết nối thuận lợi liên hoàn với các tuyến giao thông nội tỉnh và các tỉnh thành lân cận, khu công nghiệp Mỹ Phước – TX Bến Cát tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư.
Công ty Việt Nhật là 1 trong 21 dự án vừa được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 1/ 2017. Tất cả các dự án đầu tư vào các KCN. Trong đó, KCN Bàu Bàng có 4 dự án: Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu đô la Mỹ do Tập đoàn Kolon (Đài Loan) đầu tư. Dự án nhà máy sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp Polyester của công ty Polytex Far Eastern (Đài Loan) vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 485,8 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu đô la Mỹ.
Theo UBND tỉnh, năm nay, các KCN tiếp tục thu hút mạnh các nhà đầu tư, tập trung chủ yếu vẫn là nhà đầu tư nước ngoài. Trong quí 1/2017, tỉnh đã thu hút được 1 tỷ 344 triệu đô la Mỹ vốn FDI. Theo đó, nguồn vốn đầu tư vào các KCN đạt 1 tỷ 312 triệu đô la Mỹ chiếm khoảng 98%. Tỷ lệ cho thuê lại đất nhà xưởng của các KCN đạt 77 ha. Hiện nay, toàn tỉnh có 28 KCN với diện tích 10.560ha. Theo điều chỉnh quy hoạch các KCN đến năm 2020, tỉnh Bình Dương có 33 KCN với diện tích 14.790ha. Tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng với 1 số khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận chủ trương với tổng diện tích 3.146 ha, gồm KCN Bàu Bàng mở rộng diện tích 1000ha, KCN Nam Tân Uyên mở rộng 446 ha, KCN Cây Trường 700 ha và KCN VSIP III 1000 ha.
Kết quả điều tra PCI 2016, Bình Dương tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về chỉ số cơ sở hạ tầng. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với hạ tầng kỹ thuật của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, BD tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, ủng hộ định hướng thu hút đầu tư của tỉnh nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.