Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nông dân Bình Dương đã cải tiến, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai từng vùng và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Với việc chủ động thay đổi cách nghĩ cách làm, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả trong cả trồng trọt và chăn nuôi, đã tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, làm giàu từ nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Bình Dương.
Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, qua học hỏi, nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Văn Cường ở xã An Bình, huyện Phú Giáo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính. Trên diện tích 2.000m2, ông đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng nhà kính, trồng 4.000 gốc dưa lưới. Dưa lưới cho thu hoạch sau 70 ngày. Từ đợt thu hoạch đầu tiên, ông Cường đã thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình này. Với sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt trên 5 tấn, giá bán bình quân 25.000đ/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lời 100 triệu đồng/vụ. Trồng dưa lưới bình quân 1 năm 4 vụ, ông Cường có nguồn thu khá. Sau gần 1 năm đầu tư mô hình trồng dưa lưới, ông dự định tiếp tục mở rộng diện tích đầu tư.
Đam mê trồng cây ăn trái có múi, ông Lê Văn Phấn ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng đã đầu tư mở rộng diện tích trồng cây có múi và trở thành tỷ phú nông dân từ trang trại của gia đình. Từ 4 hecta diện tích canh tác ban đầu, đến nay ông đã mở rộng diện tích lên hơn 60 ha trồng các loại cây ăn trái có múi, chủ yếu là cây quýt. Trong đó, 18 hecta được trồng tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng; diện tích còn lại trồng ở xã Thanh An huyện Dầu Tiếng, Bình Dương và xã Lộc Hưng huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cây ăn trái có múi sau 3 năm cho thu hoạch và ổn định sản lượng từ năm thứ 4 trở đi, đạt bình quân 50 tấn/hecta. Mỗi hecta sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng. Hiện với 13 hecta đang cho thu hoạch, gia đình ông Phấn có nguồn thu từ 4 đến 5 tỷ đồng/năm.
Đầu tư cho mô hình trồng ổi từ hơn 2 năm nay, anh Trần Đô ở phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên đã có nguồn thu nhập ổn định từ loại cây ăn trái này. Chỉ với diện tích 3.000m2, anh Đô cải tạo đất đầu tư trồng 400 gốc ổi ghép. Sau 6 tháng trồng, ổi cho thu hoạch. Bình quân mỗi tháng sản lượng thu hoạch đạt 2 tấn ổi, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn, giá bán bình quân 7.000đ/kg ổi, gia đình có nguồn thu hơn 70 triệu đồng/năm chỉ với diện tích 3000m2. Cây ổi cho thu hoạch từ 20 đến 25 năm và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, nên anh Đô đã cải thiện được kinh tế gia đình từ vườn ổi mà anh chọn để đầu tư.
Trong xu thế đổi mới của nền nông nghiệp cả nước, nông dân Bình Dương cũng đã đổi mới tư duy, chọn mô hình sản xuất theo kịp yêu cầu của thị trường. Nhiều mô hình được đầu tư hiệu quả cho thấy sự mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Ngọc Hảo - Hoàng Hải