Thời sự Bình Dương

Thương binh tiêu biểu

Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương sau ngày đất nước hòa bình, dẫu mang trên mình thương tật chiến tranh, nhưng mỗi thương binh đều nêu cao khí chất người lính cụ Hồ, ra sức xây dựng cuộc sống mới, tiếp tục đóng góp cho giai đoạn phát triển mới của đất

Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương sau ngày đất nước hòa bình, dẫu mang trên mình thương tật chiến tranh, nhưng mỗi thương binh đều nêu cao khí chất người lính cụ Hồ, ra sức xây dựng cuộc sống mới, tiếp tục đóng góp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Điều này tiếp tục khẳng định ý chí kiên cường của các thương binh.

THƯƠNG BINH TIÊU BIỂU

Là người con của vùng đất chiến khu Đ anh hùng, tham gia kháng chiến từ năm 1964, ông Lê Văn Chạch ở xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên đã có mặt trên khắp các chiến trường. Trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông cùng đồng đội đánh thắng nhiều trận càn. Dẫu trong một trận chiến ông bị thương, nhưng vẫn cùng đồng đội đi đến ngày toàn thắng. Trở về quê hương sau ngày giải phóng, là thương binh 3/4, trong người vẫn còn vết tích 3 mảnh đạn, mà mỗi khi trái gió trở trời vẫn làm ông đau nhức; nhưng với khí chất kiên cường của người lính bộ đội cụ Hồ, ông ra sức xây dựng cuộc sống no ấm. Làm nhiều mô hình kinh tế bằng chính sức lao động của người thương binh, chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, nhưng ông đã nuôi dạy các con thành đạt và đã ổn định cuộc sống riêng. Hiện ông duy trì 2 hecta cao su đang khai thác để ổn định thu nhập và đóng góp vào các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Về lại quê hương Vĩnh Tân sau 14 năm tham gia cách mạng, dẫu trên người mang thương tật chiến tranh, là thương binh ¾, nhưng ông Thượng Công Lý vẫn tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho quê hương. Vừa lao động để cải thiện cuộc sống, ông vừa tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Từ ngày về hưu, ông luôn cùng địa phương tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động, nhất là trong việc học và làm theo Bác, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Đặc biệt, từ khi địa phương xây dựng nông thôn mới, ông tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp chung tay xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong 5 năm, ông vận động bà con nhân dân hiến đất làm hoàn chỉnh 15 tuyến giao thông nông thôn.

Bình Dương có gần 5.000 thương bệnh binh các hạng. Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện để các thương, bệnh binh phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống. Nhiều mô hình kinh tế được thương binh đầu tư hiệu quả, làm phong phú thêm mô hình sản xuất, ngày càng có nhiều thương binh làm kinh tế giỏi. Ý chí quyết tâm và cần cù lao động của những thương binh đã đem lại thành quả cho cuộc sống gia đình thêm khấm khá.

Chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc, lao động để xây dựng cuộc sống ấm no, đóng góp phong trào để xây dựng quê hương giàu đẹp. Tất cả những điều ấy tô thắm hình ảnh cao đẹp của người lính “Bộ đội cụ Hồ” kiên cường đi cùng các giai đoạn của đất nước.

Chương trình thời sự  tổng hợp 11 giờ 30 ngày 26/7:

http://btv.org.vn/video/chuong-trinh-11-gio-30-ngay-26-7-2019-40960.html

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×