Bộ Giáo dục trần tình về việc đề thi THPT bị kêu quá khó

Đề thi là một trong những chủ đề nóng nhất được các phóng viên quan tâm đặt câu hỏi tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều nay, ngày 27/6, tại Hà Nội.



Trả lời về việc nhiều ý kiến cho rằng đề thi quá khó so với thí sinh, ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Nói về độ khó của đề phải căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề tuân thủ đúng theo chỉ đạo của ban chỉ đạo thi là nội dung của tất cả các môn thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11, chủ yếu lớp 12. Nội dung không vượt quá chương trình các em học.”

Cũng theo ông Hồng, cấu trúc đề thi năm 2018 giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017 với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. “Một số ý kiến cho rằng Bộ thay đổi cơ cấu là chưa chính xác,” ông Hồng khẳng định.

Cụ thể, ông Hồng cho biết, các bài thi, dù tự luận hay trắc nghiệm, cũng có 4 cấp độ của câu hỏi với độ khó tăng dần, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng và vận dụng cao. Đề trắc nghiệm vẫn như năm trước với các câu hỏi cấp độ dễ tạo thành từng nhóm ở phía trên và các nhóm câu hỏi độ khó tăng dần lần lượt xuống dưới, giúp các em làm lần lượt từ dễ đến khó.

“Hội đồng đề cũng tuân thủ chỉ đạo thi năm 2018 là đề thi phải được tăng cường phân hóa. Có từ câu rất dễ đến câu khó, để tăng cường độ phân loại với thí sinh. Vì vậy, phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải tất cả đề thi khó mà có một số câu khó để phân loại cho thí sinh khá, giỏi. Ví dụ, trong một đề trắc nghiệm bất kỳ luôn có 50-60% câu hỏi dễ, học sinh trung bình hoàn toàn làm được, một số câu phân loại, độ khó tăng lên,” ông Hồng giải thích.

Chia sẻ về việc nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay khó hơn năm 2017, ông Hồng cho rằng, nếu so sánh với năm 2017 thì độ khó tăng lên là điều hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng sang cả lớp 11, trong khi năm 2017 phạm vi thi chỉ trong lớp 12. 

“Thêm chương trình lớp 11, rộng kiến thức hơn nên các em cảm giác đề khó hơn, học sinh đã được thông báo việc này sớm, ngay khi các em còn đang học lớp 11,” ông Hồng nói.

Liên quan đến đề thi môn Ngữ văn, khi nhiều giáo viên băn khoăn việc đề thi mở thì liệu đáp án có chấp nhận những ý kiến trái chiều, ông Hồng khẳng định: “Đề mở thì đáp án cũng phải mở.”

Bổ sung thêm ý này, ông Mai Văn Trinh cho biết, đáp án mở nhưng vẫn có những quy định chung như phần trả lời phải bám sát nội dung câu hỏi và không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục.

Cũng liên quan đến đề thi Ngữ văn, trước ý kiến một số giáo viên cho rằng cách ra đề thiếu logic trong diễn đạt ở câu hỏi số 2 của phần Làm văn, ông Hồng cho biết ông đã trao đổi lại vấn đề này với tổ ra đề thi. “Tổ ra đề khẳng định câu hỏi số 2 là hoàn toàn chính xác,” ông Hồng nói./.

TTXVN

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×