DANH NHÂN ĐẤT VIỆT

Chu Văn An- Người thầy của mọi thời đại

Chu Văn An- Người thầy của mọi thời đại

Ngày 7.11.2019, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO khóa 40 đã thống nhất biểu quyết “Tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An - Nhà sư phạm Việt Nam”. Như vậy, cùng với Nguyễn Trãi (1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) và Nguyễn Du (2015), thì Chu Văn An là Danh nhân văn hóa kiệt xuất thứ tư của Việt Nam được tổ chức này vinh danh.

Chu Văn An, sinh năm 1292- mất năm 1370, tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, thụy là Văn Chinh, hiệu là Tiều Ẩn. Ông quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), Hà Nội. Thuở nhỏ, ông ham học và học rất giỏi. Sau khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ thời Trần), ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà. Đây là trường tư thục đầu tiên của nước ta. Chọn nghề giáo, nhưng Chu Văn An không sống lẩn tránh, quay lưng lại thời cuộc như đa số các văn sĩ thời bấy giờ. Ông nhập thế với ý thức của một trí thức Nho giáo rất rõ ràng, chỉ có điều bằng con đường riêng của mình – con đường dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước, đào tạo một tầng lớp trí thức mới, xuất phát từ nhân dân lao động, không phải là quý tộc hoặc hoàng tộc.

Thầy Chu Văn An mở trường ở làng Huỳnh Cung, bất cứ ai đến học ông cũng nhận, không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, cũng không câu nệ tuổi tác. Thầy tự soạn giáo trình, đó là bộ sách Tứ thư thuyết ước, 10 quyển, được nhiều triều đại sau coi là tài liệu quý và áp dụng giảng dạy trong các trường học. Đến đời Lê - Trịnh, tài liệu này đã bị nhà Minh thu hết mang về Tàu. Sau đó, Lê Quý Đôn đã biên soạn bộ Tứ thư ước giải để thay thế, nhưng khi giặc nhà Thanh sang xâm lược nước ta, chúng lại cướp đi. Nguyễn Văn Siêu tiếp tục biên soạn bộ Tứ thư trích giảng nối truyền. Ba bộ giáo trình này đã đào tạo nên hàng ngàn vị Tiến sĩ tài danh của Việt Nam.

Năm thầy Chu Văn An 32 tuổi, vua Trần Minh Tông mời ông ra làm Tư nghiệp (tức hiệu trưởng) Quốc Tử Giám. Thời gian đầu, ông dạy học cho bảy thái tử, trong đó có bốn người sau này được làm Vua nhà Trần. Ông không chỉ dạy những nội dung trong Tứ thư thuyết ước mà ông coi trọng truyền thụ quan điểm giáo dục vì con người và đạo đức, phong cách của nhà nho cho học trò. Những người thi đỗ ra làm quan thì một lòng vì nước, vì dân. Những người về quê làm thầy đồ thì vì học trò của mình.

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Sau khi dâng Thất trảm sớ đòi chém 7 kẻ nịnh thần, nhưng không được vua Trần Dụ Tông nghe theo, Chu Văn An rời kinh thành về vùng đất Chí Linh (Hải Dương ngày nay) mở trường tiếp tục dạy học. Cuối đời, Chu Văn An sống thanh thản trong cảnh nghèo, vui với lớp học, văn chương. Khi ông qua đời năm 1370, được vua Trần tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (nghĩa là Người thầy mẫu mực của muôn đời) và cho đặt tượng thờ trong Văn Miếu cùng nơi thờ đức Khổng Tử, xem ông ngang hàng với những bậc thánh hiền ngày xưa.

Được đánh giá là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người VN mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay. Nhân cách nhà giáo Chu Văn An đã được lưu truyền trong sử sách Việt Nam là một nhà Nho, nhà hiền triết với lòng kính trọng sâu sắc./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×