Danh nhân văn hóa thế giới- Nguyễn Đình Chiểu – Biểu tượng cao đẹp
Tại kỳ họp thứ 41, Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết 41/C vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu.Nghị quyết đã ghi: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc”.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, tên thường gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày 1.7.1822, tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, H.Bình Dương, Gia Định (nay thuộc P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM). Xuất thân trong một gia đình nhà nho, thân sinh là cụ Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, H.Phong Điền, Thừa Thiên (nay là xã Phong An, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Năm 25 tuổi, trên đường ra kinh đô Huế ứng thí, hay tin mẹ lâm bệnh nặng đã mất tại Gia Định, vì quá đau buồn, thương khóc mẹ, trên đường về chịu tang mẹ lại nhiễm phong sương và bị chứng đau mắt, dù được chữa trị, nhưng đôi mắt ông mãi mãi không nhìn thấy nữa. Không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng tâm hồn ông luôn tỏa sáng, giữ tròn chữ trung, chữ hiếu. Ông mất ngày 3/7/1888, thọ 66 tuổi, được an táng tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Cả cuộc đời 66 năm, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn chương. Sự nghiệp văn chương của Cụ, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại đều viết bằng chữ Nôm với các bài truyện thơ, văn tế, thơ điếu, thơ luật Đường. Truyện thơ nổi tiếng Lục Vân Tiên là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác. Qua tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng đổi mới Nho giáo mới với những nguyên tắc trung - hiếu - tiết - nghĩa rất gần gũi, bình dị và rất Nam Bộ. Đặc biệt, các bài văn tế, nhất là bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, đã đưa ông lên vị trí người mở đầu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên dùng văn chương tạc vào lịch sử chân dung những người nông dân - nghĩa binh, những tướng lĩnh đánh giặc, những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang.
Làm thầy thuốc, thầy giáo là lựa chọn đặt ra bao thách thức cho một người bình thường, càng gay gắt cho một thầy thuốc, một thầy giáo mù lòa, dang dở công danh. Trọn đời, thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam, về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sỹ. Thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu tận hiến cứu người, giúp đời bằng nghề thuốc của mình. Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp là một tập hợp phong phú nhiều bài thuốc mà ông đã dày công tổng hợp, học hỏi và nghiên cứu, để lại giá trị cho muôn đời sau. Ông xứng đáng được ghi nhận là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Ông là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa./.