DANH NHÂN ĐẤT VIỆT

Hai Bà Trưng – 2 vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được tôn vinh như một trong những chiến công hiển hách nhất, đánh thắng quân Nam Hán, giành được độc lập, tự do cho dân tộc.

Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, sinh vào ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất, năm 14 sau công nguyên. Cha là Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện. Hai Bà mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên, tỉnh Hà Tây ngày nay.

Thời kỳ của hai Bà xen giữa Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam. Hai bà cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết. Hận giặc hãm hại nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát trên Sông Hồng (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây) với lời thề trước giờ xuất binh:

“Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kêu oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã đánh chiếm được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước được hoàn toàn độc lập. Hai bà lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.

Hiểu rõ sự thống khổ của nhân dân, nên khi lên ngôi vua, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng Trưng nữ Vương đã có những quyết sách quan trọng như: ra lệnh miễn thuế khoá cho dân hai năm.

Năm 42, nhà Hán tăng cường chi viện, Mã Viện là người chỉ đạo cánh quân xâm lược này. Nhân dân ở Hợp Phố đã anh dũng chống trả nhưng vẫn gặp thất bại trước quân Hán. Sau khi nhận được tin tức, Hai Bà Trưng kéo quân từ Mê Linh về nghênh chiến với địch tại Lẵng Bạc. Quân ta giữ vững được Cổ Loa  và Mê Linh nhưng Mã Viện tiếp tục đuổi theo buộc quân ta phải lùi về Cẩm Khê (nay thuộc Ba Vì – Hà Nội). Tháng 3 năm 43, Hai Bà Trưng hy sinh ở Cẩm Khê. Cuộc kháng chiến vẫn kéo dài đến tháng 11 năm 43 sau đó mới bị dập tắt.

Anh hùng dân tộc Trưng nữ Vương đã lập nên và giữ vững nền độc lập, quyền tự chủ dân tộc trong gần 3 năm. Khí thiêng sông núi, truyền thống bất khuất và tinh thần thượng võ của dân tộc ta đã hun đúc và sản sinh ra hai vị nữ anh hùng kiệt xuất và hàng chục nữ tướng tài ba thời Hai Bà. Đây là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta; thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×