Pháp luật Cuộc sống

Luật tiếp cận thông tin thể hiện " Quyền được biết" của công dân

Luật tiếp cận thông tin thể hiện "Quyền được biết" của công dân

Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, đây là một văn bản luật mới, hướng đến thực hiện “quyền được biết” – Một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến Pháp 2013 của nước ta. Theo các chuyên gia pháp lý thì Luật tiếp cận thông tin được xây dựng trong bối cảnh nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định, nhưng lại không tập trung, chưa đầy đủ và đặc biệt là không có sự đồng bộ, do đó người dân rất khó tiếp cận các thông tin từ cơ quan chức năng, đặc biệt là những thông tin liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng đất…v.v. Chính vì vậy, điều 17 của “Luật Tiếp cận thông tin” quy định có 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước, từ cấp xã, phường trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…Đây là những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, do đó tất cả người dân đều có quyền được biết, bên cạnh đó việc người dân nắm được các thông tin cơ bản này sẽ nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước , đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng trong thời điểm hiện nay.

             Có thể nói, việc phải công khai thông tin của một số cơ quan chức năng, trong đó có những thông tin cơ bản mà người dân rất quan tâm như: Mua sắm tài sản công, dự án đầu tư, dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… sẽ có tác động tích cực đến đời sống xã hội, bởi khi người dân nắm được những thông tin này, sẽ kiểm tra, giám sát và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế ở địa phương mình. Mặt khác, “Luật Tiếp cận thông tin” không chỉ quy định việc phải công khai thông tin của các cơ quan chức năng mà bên cạnh đó Luật còn quy định các hình thức tiếp cận thông tin, phân loại thông tin “phải công khai” và một số quy định cụ thể khác hướng đến việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân. Chính vì vậy, có thể nói sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay người dân đã rất tin tưởng bởi Đạo Luật này đã phần nào đóng góp vào cơ chế công khai, minh bạch của Nhà nước được thực hiện tốt hơn, giúp người dân có thêm cơ hội thực hiện “quyền được biết” của mình, từ đó góp phần xây dựng đất nước phát triển theo hướng bền vững. 

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×