Pháp luật Cuộc sống

Những quy định về giao dịch dân sự

Những quy định về giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là những giao dịch thường thấy trong đời sống hàng ngày và theo quy định tại điều 116 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Nói cách khác thì: Giao dịch dân sự là giao dịch rất phổ biến và diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này có thể thấy: Tại Chương VIII - Bộ luật Dân sự 2015 có những quy định về điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực và hình thức thể hiện các loại giao dịch dân sự .v.v. Theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý thì mỗi cá nhân hay tổ chức khi tham gia giao dịch cần phải chú ý đến điều kiện và hình thức của giao dịch dân sự, bởi nếu vi phạm thì giao dịch đó rất dễ bị cơ quan Tòa án tuyên bố là “giao dịch dân sự vô hiệu”. Trường hợp này các bên tham gia giao dịch sẽ rất thiệt thòi bởi ý chí và nguyện vọng trước khi tham gia giao dịch sẽ không đạt được, thậm chí có cả thiệt hại về tài sản.

 

            Các chuyên gia pháp lý cho biết, hiện nay có nhiều loại giao dịch dân sự bị coi là “vô hiệu”, đó là: Những giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội. Hoặc những “giao dịch dân sự giả tạo” để che lấp một “giao dịch dân sự khác”; hoặc những giao dịch dân sự mà người tham gia bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép hoặc giao dịch dân sự bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức …v.v.

Đối với những trường hợp này, nếu cơ quan Tòa án tuyên bố là “giao dịch dân sự vô hiệu” thì các bên sẽ phải giải quyết hậu quả pháp lý rất nặng nề như: Khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đặc biệt, có một số trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì sẽ được quy đổi thành tiền để hoàn trả song cũng có trường hợp không thể khắc phục được hậu quả do không có khả năng thanh toán.

 Như vậy có thể nói, để một giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật, không rơi vào tình trạng “vô hiệu” và tránh xảy ra tranh chấp thì giao dịch dân sự đó phải đáp ứng được các điều kiện như: Người tham gia giao dịch phải tự nguyện, có đủ năng lực hành vi dân sự và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm pháp luật, không trái đạo dức xã hội. Giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng 1 trong 3 hình thức như: lời nói hoặc văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Đặc biệt, có những loại giao dịch được pháp luật quy định bắt buộc phải có công chứng, chứng thực hoặc văn bản phải được đăng ký với cơ quan chức năng thì trong trường hợp này, người tham gia giao dịch bắt buộc phải tuân theo quy định đó .

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×