DANH NHÂN ĐẤT VIỆT

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990, UNESCO đã vinh danh: Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh  (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác), sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội. Bố là một nhà nho yêu nước; mẹ là nông dân; chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày.

Ngày 5-6-1911, Người ra đi tìm đường cứu nước, là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.

Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922).

Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân.

 Năm 1924, tại Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, Người được chỉ định là Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam.

 Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á. Thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Ngày 3-2-1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh).

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).

Ngày 19-12-1946, Người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954) và chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho mục đích cao cả nhất: Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Với bạn bè quốc tế, Người là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công. Người đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam. Tầm vóc của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ở sự coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá lâu dài của mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.

 

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×